Hàng không đổi khái niệm ‘chậm hủy chuyến’ thành ‘bay chưa đúng giờ’

Ngày tạo: 15/06/2018 14:22

Hàng không đổi khái niệm ‘chậm hủy chuyến’ thành ‘bay chưa đúng giờ’

Bắt đầu từ tháng 7/2017, báo cáo tình hình khai thác các chuyến bay hàng tháng của Cục Hàng không Việt Nam được đổi từ khái niệm tổng hợp số liệu “chậm hủy chuyến” sang thành tình hình “bay chưa đúng giờ” của các hãng hàng không. Việc thay đổi khái niệm này chưa có quy định trong văn bản.

Phản hồi về vấn đề này, đại diện Cục Hàng không cho biết việc thay đổi khái niệm này là để phù hợp với tình hình thế giới. Trên thế giới bây giờ cũng không còn khái niệm chậm hủy chuyến nữa, thay vào đó sẽ được đánh giá trên tỷ lệ chuyến bay có đúng giờ hay không (OTP).

Không riêng ở Việt Nam, các hãng hàng không thường đặt tiêu chí cạnh tranh dịch vụ là tỷ lệ bay đúng giờ được tối ưu hóa thế nào, và phấn đấu có tỷ lệ càng cao càng tốt. Như vậy việc chuyển từ khái niệm “chậm, hủy chuyến” sang “bay chưa đúng giờ” là phù hợp.

Mặc dù đổi khái niệm nhưng bản chất vẫn không thay đổi.Các hãng nên nhìn thẳng vào thực tế để ứng xử với khách hàng, thay vì tránh né và sử dụng khái niệm khác để giảm nhẹ tính chất vụ việc.
Theo báo cáo mới nhất quý I của Cục hàng không đã chỉ ra hai hãng giá rẻ là Jetstar và Vietjet giữ kỷ lục về chuyến bay bị chậm giờ, khi có đến 6.742 chuyến.

Jetstar Pacific có đến 21,1% chuyến bay không thể cất cánh đúng giờ trong tổng số thực hiện 8.985 .Vietjet Air tỷ lệ là 16,6% trong tổng cộng 29.261 chuyến bay. Ít hơn so với hai hãng trên là Vietnam Airlines, tỷ lệ chậm chuyến là 9,8% trong tổng số 32.504 chuyến bay mà hãng đã thực hiện. Máy bay về muộn cũng là nguyên nhân chính dẫn tới chậm chuyến của Vietnam Airlines.
Ngoài nguyên nhân lớn nhất là máy bay về muộn, những nguyên nhân phổ biến khác gây chậm chuyến trong quý I lần lượt là do hãng hàng không, do trang thiết bị tại cảng hàng không và do đơn vị quản lý, điều hành bay. Lý do thời tiết mà các hãng đưa ra chỉ chiếm 2,1% số chuyến bay bị chậm chuyến.