Bamboo Airways - Giá vé thấp hơn Vietnam Airlines nhưng chất lượng sẽ cao như "5 sao"

Ngày tạo: 09/06/2018 16:49

Bamboo Airways - Giá vé thấp hơn Vietnam Airlines nhưng chất lượng sẽ cao như "5 sao"



Giá vé Bamboo Airways sẽ nhỉnh hơn Vietjet Air và rẻ hơn Vietnam Airlines
Trao đổi với báo chí tại buổi ra mắt bộ nhận diện thương hiệu của hãng hàng không Bamboo Airways chiều 20/4, ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết, hiện doanh nghiệp đang ở những bước cuối cùng hoàn thiện về thủ tục pháp lý, hồ sơ đã được nộp cả ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải. Hãng sẽ bắt đầu nhận các máy bay theo hợp đồng mua 24 chiếc A321 NEO từ Airbus từ năm 2021 và hoàn tất trong 3 năm. 
Tuy nhiên để kịp tham vọng bay ngay trong quý 4/2018, Bamboo Airways sẽ thuê 10 chiếc máy bay, sau đó nhận dần máy bay mới trong những năm tiếp theo và hoàn thiện đội bay.

Bamboo Airways được định vị trở thành hãng hàng không Hybrid, tức là lai giữa hàng không truyền thống và giá rẻ. Theo đó, hãng sẽ có giá ở phân khúc giữa của Vietnam Airlines và Vietjet Air, nhỉnh hơn hàng không giá rẻ như Vietjet Air "một chút" và rẻ hơn Vietnam Airlines nhưng chất lượng sẽ cao như "5 sao".
Hãng sẽ tập trung tuyến bay quốc tế nối các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan,… đến các điểm du lịch tại Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nha Trang… Trong dài hạn sẽ mở rộng tuyến tới Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa-Quy Nhơn, Thanh Hóa- Phú Quốc, Thanh Hóa-Nha Trang…
Xác định sẽ cạnh tranh trực tiếp với 2 hãng hàng không đang chiếm thị phần lớn hiện nay là Vietnam Airlines và Vietjet Air, lãnh đạo Bamboo Airways cũng khẳng định, hãng có những lợi thế riêng mà các hãng hàng không khác không có được. 
"Bamboo Airway khai thác tuyến bay ngách vì FLC có quần thể nghỉ dưỡng lớn ở các điểm đến của tập đoàn. Hơn nữa, là một thành viên của FLC, Bamboo Airways có tương hỗ rất tốt với FLC, ví như khách mua vé máy bay của hãng sẽ được giảm giá phòng, hoặc ngược lại. Điều đó sẽ tạo nên khác biệt của chúng tôi", ông Thắng nói.
Về bài toán nhân sự, ông Thắng cho biết, đã có nhiều vị trí mới, gương mặt kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không đã tham gia vào đội ngũ của Bamboo Aiwway. Bamboo Airway sẽ công bố các nhân sự chủ chốt của hãng trong tháng 5. Sau đó chúng tôi triển khai nhiều vị trí khác như đội ngũ phi công, tiếp viên.

Những thách thức đối với hãng hàng không non trẻ
Đưa "cây tre" Bamboo Airways lên trời, tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ giải quyết 2 bài toán sau thế nào: Tìm phi công ở đâu và đỗ máy bay chỗ nào?


1. Không thiếu hành khách, chỉ thiếu nhân sự... 
Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cuối năm 2016, căn cứ theo kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2.680 phi công thương mại. So với số lượng phi công hiện có, số lượng phi công cần bổ sung là khoảng 1.320 người.
Theo tính toán, mỗi năm, các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines cần khoảng 200- 250 phi công. Bên cạnh đó, nhu cầu huấn luyện chuyển loại từ lái phụ lên lái chính, từ học viên phi công đào tạo cơ bản lên lái phụ đối với các loại máy bay đang khai thác cũng cần khoảng 170-200 lượt/năm.
Trong một vài năm tới, các hãng hàng không đặt hàng với lượng máy bay gấp 2-3 lần số hiện có, kéo theo nhu cầu nhân sự kỹ thuật cao, bao gồm cả đội ngũ phi công rất lớn. Khi tất cả các hãng đều muốn phát triển đội máy bay nhưng lại chưa chuẩn bị nhân sự sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ máy…

Để tham gia đường đua bầu trời, Bamboo Airways cũng bắt đầu rục rịch tuyển nhân sự. Đơn vị này vừa tung ra đợt tuyển dụng quy mô đầu tiên ngay trong tháng 4/2018, với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm gần 90 nhân sự kỹ thuật và tổ chức bảo dưỡng; 92 phi công (bao gồm cơ trưởng, cơ phó); 250 tiếp viên, trong đó tiếp viên trưởng là 45 người và nhân sự khối thương mại là gần 50 người.
Đó là kế hoạch của Bamboo. Công việc này trên thực tế không hề dễ dàng.
Nhân sự cấp cao hàng không vốn đang vô cùng khan hiếm tại Việt Nam. Sự xuất hiện của các tân binh như Bamboo đang gây sức ép ngày càng lớn lên một thị trường nhân sự đang thiếu cung trầm trọng. Áp lực này từng khiến Vietnam Airlines gặp khủng hoảng nhân sự, khi hàng loạt phi công nộp đơn nghỉ việc để chuyển sang hãng khác.

2... và thiếu cơ sở đào tạo phi công
Thiếu phi công là vấn đề nổi cộm với các hãng hàng không trong quá trình mở rộng. Một phần lí do của vấn đề này đến từ khả năng đào tạo nhân sự trong nước.
Do chưa chủ động được việc đào tạo phi công trong nước, để đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tế, hãng Vietnam Airlines thường phải gửi nhân sự đi đào tạo ở nước ngoài. Theo bản hợp đồng đào tạo bay cơ bản được công bố (thời điểm hàng loạt phi công của hãng xin nghỉ đầu năm 2015), Vietnam Airlines đã liệt kê chi tiết các khoản chi phí đào tạo mà hãng hỗ trợ khi đưa học viên sang Học viện Hàng không ESMA (Pháp), khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi người.
Theo Vnexpress, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines xác nhận 1,7 tỷ đồng chỉ giúp một người bình thường trở thành phi công cơ bản, chưa đủ để đảm nhiệm việc lái máy bay. Sau khóa học, hãng mất thêm nhiều chi phí cả vô hình lẫn hữu hình để giúp một phi công cơ bản thành phi công khai thác. Thời gian bay càng lâu, phi công càng được tích lũy kinh nghiệm cũng như số giờ bay và trải qua thêm nhiều đợt huấn luyện hằng năm.
Người đứng đầu Vietnam Airlines cho biết chưa thể tính toán được con số chính xác chi phí đào tạo cho một phi công dày dạn kinh nghiệm nhưng "ước tính khoảng 2,5 tỷ đồng".

Tại hội thảo về đào tạo ngành hàng không lần thứ nhất ở TPHCM hồi 2016, nhiều đại biểu cho biết đào tạo phi công thiếu nhiều thứ, ví dụ thiếu thiết bị thực hành. Hay thiếu sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với hãng hàng không để sử dụng lao động và tập bay thực tế.
Vài năm gần đây, hình thức đào tạo phi công theo diện "xã hội hóa" dần phổ biến. Người học có thể tự bỏ tiền tham gia trường dạy lái máy bay trong và ngoài nước, sau đó tự xin việc.
Trong nước, hiện có một công ty cổ phần được Cục Hàng không cấp phép đào tạo phi công là Bay Việt, do Vietnam Airlines sở hữu hơn 51% vốn. Theo biểu giá đơn vị này cung cấp, chi phí để một học viên tham gia khóa đào tạo cơ bản vào khoảng 1,9 tỷ đồng.